Giỏ hàng

0
Tin học ASIA

Tin tức - Khuyến mãi

Bên trong phòng thí nghiệm bí mật


Bên trong phòng thí nghiệm bí mật

Bên trong phòng thí nghiệm bí mật - nơi quyết định tương lai của Samsung - Ảnh 1.

Tất cả nhân viên và khách mời được yêu cầu đi qua máy dò kim loại khi ra vào trung tâm nghiên cứu của Samsung.

Thành phố kỹ thuật số Samsung (Samsung Digital City) ở Suwon, Hàn Quốc có khoảng 35.000 nhân viên làm việc, ăn uống và vui chơi. Khu công nghệ cao này giống như một khuôn viên trường đại học với những công viên xanh, đông đảo người trẻ tuổi, các câu lạc bộ xã hội và quán cà phê. Ngoài ra còn có một khu ăn uống lớn – nơi mọi thứ – từ pizza đến kim chi, đều miễn phí.

Nói cách khác, đây là một nơi làm việc thú vị.

Tuy nhiên Samsung, nhà sản xuất điện thoại thông minh, TV và chip nhớ lớn nhất thế giới, luôn ở trong chế độ khủng hoảng. Một phần, đó là do chính “thiết kế” của công ty: Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee từng viết rằng một công ty thành công cần duy trì “độ nhạy cảm cao với khủng hoảng”, nghĩa là ngay cả trong những thời điểm tốt đẹp, thì cũng phải luôn đề phòng trước sự thay đổi.

Ở thời đại ngày nay, điều này là hoàn toàn đúng. Doanh số điện thoại thông minh toàn cầu đang sụt giảm, gây áp lực cho lĩnh vực kinh doanh lớn nhất của Samsung Electronics. Một cuộc chiến thương mại quy mô giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có nguy cơ làm tăng chi phí của công ty. Và nhà lãnh đạo thực tế của Samsung, Lee Jae-yong, con trai của chủ tịch công ty, cũng đang phải đối mặt với một bản tái thẩm về tội nhận hối lộ.

Dưới áp lực đến từ nhiều phía, Samsung rất mong muốn tìm ra “một lĩnh vực lớn” tiếp theo ngoài điện thoại thông minh hoặc chip nhớ để tăng cường sức mạnh cho sự phát triển trong tương lai của công ty. Công ty đã rót khoảng 22 tỷ USD trong 3 năm vào các lĩnh vực như 5G và tự động hóa, chủ yếu bằng các khoản đầu tư vào Samsung Electronics. (Các ngành kinh doanh khác của tập đoàn bao gồm đóng tàu, xây dựng và bảo hiểm)

Phần lớn sự đổi mới và thử nghiệm đó đến từ các phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển bí mật tại Digital City.

Văn hóa khủng hoảng và sự sáng tạo không ngừng

Trên đường đến phòng thí nghiệm R&D bí mật hàng đầu của Samsung là Bảo tàng Đổi mới của công ty, một khu vực mở cửa cho công chúng. Ở đây, không chỉ trưng bày sản phẩm của Samsung mà còn là nơi trưng bày các tên tuổi lớn trong lịch sử công nghệ tiêu dùng. Trong đó có máy hút bụi Hoover, TV Sony Trinitron cổ điển và các chất bán dẫn đầu tiên của Intel.

Các sản phẩm thể hiện sự khéo léo của con người theo thời gian, từ việc phát minh ra điện thoại cho đến chiếc điện thoại di động đầu tiên, có hình dáng như cục gạch – và đó là biểu tượng thể hiện vị trí xứng đáng của Samsung trong dòng chảy của lịch sử các phát minh.

Tuy nhiên, phòng thí nghiệm R&D của Samsung lại mang đến một cảm xúc hoàn toàn khác. Hệ thống an ninh ở tất cả các tòa nhà “quét” mọi người trên đường ra vào, kể cả nhân viên.

Tất nhiên, các đối thủ lớn nhất của Samsung – các công ty như Apple, Huawei, Google và Amazon – cũng có các phòng thí nghiệm bí mật. Tuy nhiên, Samsung có tiếng về những phát kiến và giải pháp, thường với tốc độ nhanh hơn so với các đối thủ. Chiến lược đó là tuyệt vời khi đạt hiệu quả – nhưng cũng dẫn đến việc thường xuyên thất bại. Một ví dụ: Đầu năm nay, khi Samsung vội vàng bán mẫu điện thoại gập Galaxy Fold của mình ra thị trường, đã ngay lập tức có đánh giá phàn nàn về phần gập cánh bị lỗi và màn hình bị hỏng. Samsung đã thu hồi mẫu điện thoại, tinh chỉnh thiết kế và từ đó đã ra mắt phiên bản mới tại Hàn Quốc.

Bên trong phòng thí nghiệm bí mật - nơi quyết định tương lai của Samsung - Ảnh 2.

Kỹ sư giám sát tại phòng thí nghiệm kết nối 5G.

Đối với một công ty được xây dựng trên nền văn hóa khủng hoảng, chu kỳ phát minh, thất bại và lặp lại liên tục đó được đưa vào DNA. “Điều quan trọng của khủng hoảng là cách bạn sẽ quản trị rủi ro, cách bạn sẽ quản lý điều đó trong tương lai”, CEO và Chủ tịch của Samsung Electronics, Hyun-Suk Kim nói. “Chúng tôi tin rằng khủng hoảng là cơ hội cho sự phát triển trong tương lai của chúng tôi”.

Bên trong buồng lái kỹ thuật số, mà Samsung cho biết có thể tung ra thị trường vào đầu năm 2020, 6 màn hình đặt ở đầu này đến đầu bên kia của chiếc ôtô hiển thị một bản cải tiến kỹ thuật số được chế tạo dựa trên bảng điều khiển truyền thống. Thay vì dựa vào một chiếc máy tính bảng khổng lồ như bạn thấy trong Tesla, Samsung đã lựa chọn việc thực hiện bảng điều khiển để có một giao diện ngang, hợp lý phù hợp với kết cấu xe.

Bộ màn hình có 2 gương điện tử (e-mirror) bên cạnh dùng để nâng khả năng ghi nhận thực tế, làm nổi bật các hình di chuyển gần đó giúp xác nhận tình huống ở mức độ cao hơn. 9 máy quay trên màn hình giúp người xem nhìn thấy những gì xung quanh mình, ngay cả khi trời mưa. Tài xế có thể phát hiện người đi bộ bên ngoài xe hoặc xe đạp sớm nhất có thể để tránh tai nạn.

Tất nhiên, Samsung không đơn độc trong tham vọng chiếm lĩnh thị trường xe hơi kết nối. Nhiều mẫu xe đã có tính năng tránh va chạm và màn hình cảm ứng. Và một số tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghệ đã tham gia vào cuộc chơi, trong đó có ông lớn công nghệ Intel bằng thương vụ mua lại công ty phần mềm an toàn tầm nhìn Mobileye, cũng như công ty mẹ của Google – Alphabet mua lại Waymo.

Tuy nhiên, tốc độ của Samsung khi trở thành người chơi chính trong lĩnh vực công nghệ ôtô rất ấn tượng. 4 năm trước, công ty dường như chưa có bất kỳ dấu ấn nào trên thị trường. Sau đó, năm 2016, hãng đã mua Harman International Industries có trụ sở tại Mỹ với giá 8 tỷ USD. Đến năm 2018, Harman-Samsung đã là nhà phân phối linh kiện tự động thông tin giải trí số một trên thị trường trị giá khoảng 5 tỷ USD, theo Strategy Analytics.

Samsung cũng đang cố gắng phân biệt các hệ thống của mình bằng cách kết nối chúng với công nghệ bên ngoài chiếc xe. Sử dụng buồng kỹ thuật số, tài xế không chỉ có thể truy cập bản đồ, phát nhạc và truyền phát video cho hành khách, mà còn kiểm soát nhiệt độ phòng khách ở nhà và thậm chí nhìn thấy những gì bên trong tủ lạnh nhà bếp. Và hiện tại, dường như những thứ đó là quá nhiều.

“Nói chung, chúng tôi cố gắng tránh làm mất sự tập trung của tài xế. Đây là thiết kế có chủ ý để tránh sự xao lãng không cần thiết”, Phó chủ tịch Samsung Taejung Yeo cho biết.

“Tôi không chắc cần phải có siêu kết nối này trong khi đi trên đường cao tốc hay không? Có lẽ, tôi sẽ thay đổi suy nghĩ khi những chiếc xe không người lái cuối cùng trở thành hiện thực – nhưng bây giờ, tôi sẽ không dùng đến tính năng nhìn vào tủ lạnh nhà mình”.

Bên trong phòng thí nghiệm bí mật - nơi quyết định tương lai của Samsung - Ảnh 4.

Samsung có thể ra mắt buồng lái kỹ thuật số vào năm 2020.

Ngay khi bước vào Học viện Công nghệ Tiên tiến (SAIT) của Samsung, khách thăm quan sẽ nhìn thấy “Roboray”, robot hình người đi bộ của Samsung, đặt sau một bức tường hình khối thấp ở một góc xa của phòng thí nghiệm. Không còn trong quá trình phát triển, giờ đây nó là linh vật của tập thể các nhà công nghệ đang nghiên cứu một loại robot đổi mới – robot mà chúng ta có thể mặc vào người.

Young-bo Shim, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Cơ điện tử của SAIT, cùng nhóm của mình đã phát triển một sản phẩm được gọi là Hệ thống tăng cường chuyển động dáng đi (GEMS). Đúng như tên gọi của nó, đó là một trợ lý đi bộ được thiết kế để giúp người đeo cải thiện sức lực và sự cân bằng. Shim tin rằng một ngày nào đó có thể giúp người lao động cũng như người khuyết tật và người già trong những công việc đòi hỏi thể chất.

Mất khoảng một phút để đưa hệ thống qua quần và lên hông của người mặc. May mắn nó rất nhẹ, chỉ hơn 2 kg (4,4 pounds). Hệ thống này có kiểu dáng đẹp, không có nút bấm hoặc mặt số phụ. Một bộ đĩa trắng thuôn chứa cảm biến và động cơ được đặt ở 2 bên hông và ở phía sau lưng người dùng. Đối với Samsung, chăm sóc sức khỏe không phải là một lĩnh vực mới. Tập đoàn này đã phát triển hơn rất nhiều kể từ khi thành lập một bệnh viện, Trung tâm Y tế Samsung tại Hàn Quốc vào năm 1994.

Nhưng giống như nhiều đối thủ của mình, Samsung Electronics nhận ra cơ hội trong việc kết hợp giữa y học và công nghệ. Theo các nhà phân tích, ngành công nghiệp sản xuất khung hỗ trợ vận động có thể đạt doanh thu 6 tỷ USD.

GEMS vẫn trong quá trình phát triển, trong khi đó cuộc đua trên thị trường vẫn đang diễn ra. Một số bộ đồ tăng cường hiệu suất đã có mặt trên thị trường đến từ các nhà sản xuất như Hyundai, Honda và Sarcos Robotics. Nhưng so với những bộ đồ có hình dạng như những bộ xương di động trông rất mạnh mẽ đó, Samsung cho biết, GEMS là một lựa chọn nhẹ hơn nhằm cố tình loại bỏ các yếu tố robot trong đó.

Ở một khu vực khác của khu phức hợp SAIT là Phòng thí nghiệm chăm sóc sức khỏe di động, nơi các nhà nghiên cứu đang phát triển các cảm biến để điện thoại thông minh của họ có thể giúp cải thiện sức khỏe cho người dùng.

Nhóm nghiên cứu thực hiện đo huyết áp cho người trải nghiệm bằng máy theo dõi truyền thống mà bạn có thể tìm thấy trong phòng mạch của bác sĩ. Sau đó, họ đo huyết áp bằng ứng dụng mới và cảm biến nhịp tim hiện có ở mặt sau của điện thoại thông minh Samsung Galaxy. Mặc dù nhịp tim và huyết áp đã được liên kết, huyết áp khó đo hơn về mặt kỹ thuật. Sau một vài sai lầm ban đầu, ứng dụng đo huyết áp trên điện thoại thông minh đã thành công.

Có lẽ sự đổi mới lớn nhất trong Thành phố số thực sự không phải là một sản phẩm mà là một nơi để thực hiện các nghiên cứu phát triển sản phẩm. Phòng thí nghiệm C (C-lab) là trung tâm của Thành phố kỹ thuật số của Samsung. Đó là một không gian làm việc đầy màu sắc với sứ mệnh nuôi dưỡng ý tưởng lớn tiếp theo.

Bên trong phòng thí nghiệm bí mật - nơi quyết định tương lai của Samsung - Ảnh 6.

Các kỹ sư của phòng thí nghiệm chăm sóc sức khỏe di động của Samsung, đeo kính bảo hộ trong khi làm việc với laser.

Samsung cho biết, bất kỳ nhân viên nào cũng có thể đăng ký tham gia làm việc tại C-Lab và trở thành nhà lãnh đạo đổi mới bất kể chức danh và kinh nghiệm làm việc. Ý tưởng được gửi thông qua một nền tảng ý tưởng trực tuyến. Sau đó, nhân viên với các ứng dụng chiến thắng có thể đưa vào phòng thí nghiệm để tinh chỉnh từ bản mẫu cho đến khi chúng được thử nghiệm thực tế và cuối cùng xem xét tính phù hợp với thị trường.

Chính sách của công ty cho phép nhân viên tách các dự án C-Lab thành công thành các công ty được quản lý độc lập, riêng biệt, được Samsung tài trợ vòng hạt giống. Samsung thường giữ một lượng cổ phần thiểu số trong các công ty khởi nghiệp.

Từ khi C-Lab được thành lập cách đây 6 năm, hơn 250 dự án đã được phát triển thành công bao gồm máy in mini trực tuyến, có thể in ảnh và ghi nhớ dưới dạng ghi chú mà không cần mực. Công ty hiện đang chế tạo ra máy in thông minh nhỏ gọn Mangoslab. Dự án tách ra khỏi C-Lab của Samsung và ra mắt như một công ty khởi nghiệp thật sự vào năm 2016.

Hyungmin Joo là một kỹ sư của Samsung thực hiện dự án Ignis, chế tạo máy chụp ảnh chuyên dụng cho lính cứu hỏa. Các máy ảnh có thể được gắn vào mặt nạ hoặc bộ đồ của lính cứu hỏa. Dựa trên các lời khuyên từ những người lính cứu hỏa, nhóm nghiên cứu đã phát triển các máy ảnh nhỏ gọn, dễ sử dụng và có thể chịu được nước, bụi và nhiệt độ cực cao. Các máy ảnh đã được hàng trăm lính cứu hỏa tại Hàn Quốc và Việt Nam sử dụng. Đây là một giải pháp hình ảnh giúp lính cứu hỏa định vị vị trí và cứu người.

Một dự án khác được phát triển từ C-Lab, Relúmĭno – tạo ra phần mềm để giúp người khiếm thị có thể nhìn thấy. “Tôi vẫn đang trong giai đoạn phát triển, vì vậy chúng tôi còn một chặng đường dài để đi,” Junghoon Cho, trưởng dự án của Relúmĭno, cho biết: “Tôi chỉ hy vọng rằng chúng ta có thể giúp những người khiếm thị có được niềm vui giống như họ đang có một cuộc sống bình thường mà hầu hết chúng ta coi là đương nhiên”.

Có những đối thủ khác của thị trường “cửa hẹp” này: eSight, NuEyes và IrisVision đều cung cấp các công nghệ dựa trên tai nghe để cải thiện thị lực cho người khiếm thị. Nhưng Cho tuyên bố, thuật toán của Relúmĭno mang lại lợi thế cho công nghệ của ông. “Chúng tôi đã thử nghiệm điều này với nhiều người khiếm thị bị bệnh tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác, và các thuật toán của chúng tôi chỉ đơn giản là kiểm tra tốt hơn, theo kinh nghiệm của chúng tôi”, ông nói.

Đối với CEO Hyun-Suk Kim, người đã làm việc tại Samsung từ năm 1992, C-Lab đại diện cho lợi thế hàng đầu của Samsung Electronics. Họ đang tạo ra một văn hóa khởi nghiệp bên trong Samsung. “Chúng tôi muốn làm cho văn hóa của mình trở nên khác biệt”, Kim nói.

Trong khi trước đó, trong lịch sử của công ty, Sam Sung vận hành chủ yếu theo cơ chế nhận chỉ đạo từ trên xuống. “Hiện tại, công ty đang cố gắng khuyến khích sự sáng tạo nhiều hơn, có thể đến từ bất kỳ nơi nào của công ty”, ông nói.

“Đổi mới là công việc của chúng tôi”, ông nói. “Lý do Samsung thành công là sự đổi mới”.

C-Lab và các trung tâm R&D của mình, nhân viên của Samsung đang chạy đua để đổi mới. Nhưng họ cũng nên cảnh giác với việc đưa sản phẩm của mình ra thị trường quá nhanh.

Trước sự ra mắt thất bại của các sản phẩm của Sam Sung như Galaxy Fold hồi đầu năm nay, các nhà phân tích cho rằng, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc cần phải cân bằng tốc độ với thực thi.Tuy nhiên, về mặt tổng thể, đó là một điều tốt bởi vì nó giúp Sam Sung giữ vị thế trên đỉnh cao của công nghệ.

(Theo CNN)

https://www.zchannel.org/ben-trong-phong-thi-nghiem-bi-mat/

Facebook Comments Box
(Visited 27 times, 1 visits today)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1
Bạn cần hỗ trợ?
Liên hệ
Địa chỉ